Đòi công sức bảo quản, cải tạo di sản thừa kế

812 Lượt xem

Khi một người chết có di sản để lại sẽ phát sinh quan hệ thừa kế. Thừa kế được mở kể từ thời điểm người để lại di sản chết. Nhưng trong thực tế ít có trường hợp ngay khi mở thừa kế đã diễn ra việc chia thừa kế. Thông thường việc chia thừa kế diễn ra sau đó một thời gian khá dài. Đặc biệt là các vụ tranh chấp thừa kế tại Tòa án thì hầu hết thừa kế đã mở từ lâu, có những vụ thời điểm mở thừa kế cách thời điểm tranh chấp từ 10 năm đến 30 – 40 năm, cá biệt có vụ còn lâu hơn, do đó sẽ xuất hiện “người quản lý di sản”.

Tuy pháp luật thừa kế được quy định từ sớm, nhưng các quy định ban đầu còn rất sơ lược và chung chung, mới chỉ đề cập đến một vài nguyên tắc cơ bản về thừa kế chứ chưa đề cập đến việc thanh toán công sức cho “người quản lý di sản”. Song, qua thực tiễn công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều hướng dẫn, trong đó phải kể đến Thông tư số 81 ngày 24/7/1981. Trong Thông tư này vấn đề thừa kế được quy định tương đối có hệ thống và cũng tại đây lần đầu tiên pháp luật của Nhà nước ta đề cập đến việc những người “có công nuôi dưỡng, chăm sóc người để lại di sản và người có công giữ gìn di sản của người đã chết, cần được chiếu cố” khi chia di sản.

Ngày 30/8/1990 Pháp lệnh thừa kế được ban hành cũng tiếp tục quy định việc thanh toán “chi phí cho việc bảo quản di sản; các chi phí khác” (điểm 10 Điều 334 Pháp lệnh thừa kế).

Tuy nhiên các văn bản pháp luật ra đời trước năm 1995 chưa ra thuật ngữ “người quản lý di sản”, chưa đề cập đến nghĩa vụ và các quyền của họ, khi Bộ luật Dân sự ra đời, vấn đề này đã được quy định từ Điều 641 đến Điều 643. Tại Điều 686 Bộ luật Dân sự coi việc thanh toán “chi phí cho việc bảo quản di sản” là điểm ưu tiên thứ 9.

Vậy Bộ luật Dân sự đã quy định “người” nào được công nhận là “người quản lý di sản”? Theo quy định tại Điều 641 thì:

1. Người quản lý di sản là người chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản, thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý, thì di sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý”.

Điều 642 Bộ luật Dân sự đã quy định nghĩa vụ của người quản lý di sản. Đối với người quản lý di sản được quy định ở khoản 1 và khoản 3 Điều 641 Bộ luật Dân sự thì Điều 642 có ghi rõ nghĩa vụ là:

1. Người quản lý di sản được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 641 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

“a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế ;

d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

đ) Giao lại tài sản theo yêu cầu của người thừa kế”.

Đối với người quản lý di sản được quy định ở khoản 2 Điều 641 Bộ luật Dân sự thì chỉ

có 4 nghĩa vụ đó là:

“a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người chia thừa kế”.

Nếu người quản lý di sản đã thực hiện tốt các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định, thì họ đã có công trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản, làm cho khối di sản không bị mai một, mất mát theo thời gian. Đây là một loại lao động có ích và vì lợi ích của các thừa kế. Vì vậy công sức mà người quản lý di sản đã bỏ ra là cơ sở cho việc người thừa kế phải trả thù lao cho họ. Theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự thì người quản lý di sản “được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế”. Đây là cơ sở pháp lý để Tòa án trích từ khối di sản một khoản tiền, hoặc hiện vật để trả công cho người quản lý di sản.

Bài viết liên quan