Khiếu nại giải quyết kỷ luật đối với người lao động

346 Lượt xem

Trong môi trường lao động, việc người lao động nhận được quyết định kỷ luật do người sử dụng lao động đưa ra là khá phổ biến. Hình thức kỷ luật nặng nhất mà người sử dụng lao động áp dụng đối với người lao động là hình thức kỷ luật sa thải. Đối với những quyết định kỷ luật không thỏa đáng, người lao động có hoàn toàn có thể khiếu nại lấy lại quyền lợi hợp pháp của mình. Vậy người lao động có thể khiếu nại kỷ luật lao động khi nào? Luật Đất Thủ xin đưa đến quý độc giả những thông tin chi tiết về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ theo Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP Hướng dẫn cụ thể về khiếu nại kỷ luật luật lao động, trách nhiệm vật chất được quy định tại Điều 131 Bộ luật lao động 2019.

Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Mục 2 Chương XIV của Bộ luật Lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải trái quy định của pháp luật thì ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Mục 2 Chương XIV của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động còn phải thực hiện các nghĩa vụ như đối với trường hợp ngưởi sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật quy định tại Điều 41 của Bộ luật Lao động.

Người lao động nên làm gì khi bị xử lý kỷ luật trái pháp luật

Khi người lao động có căn cứ cho rằng việc sa thải là trái với quy định của pháp luật thì người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau:

Cách 1: Khiếu nại đề nghị hủy quyết định sa thải

– Khiếu nại lần đầu: gửi đơn khiếu nại tới người sử dụng lao động có quyết định sa thải bị khiếu nại;

– Khiếu nại lần hai: gửi đơn khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu được quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

+ Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ  việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

+ Đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Cách 2: Hòa giải thông qua hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động

Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 thì tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án

Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 thì người lao động có quyền khởi kiện trực tiếp đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đối với tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.

Cách 4: Tố giác ra cơ quan công an

Thực hiện tố giác tội phạm tới cơ quan điều tra nếu hành vi sa thải trái pháp luật của người sử dụng lao động có dấu hiệu cấu thành Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Như vậy, khi người lao động thấy mình bị xử lý kỷ luật không thỏa đáng, trái pháp luật thì người lao động có thể khiếu nại hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Bài viết liên quan