Điều kiện để di chúc có hiệu lực theo pháp luật Dân sự Việt Nam

50 Lượt xem

Thừa kế là một quan hệ phổ biến trong đời sống xã hội. Pháp luật dân sự quy định việc thừa kế tài sản có thể thực hiện theo pháp luật hoặc theo di chúc. Thừa kế theo di chúc chính là sự bày tỏ ý chí của người để lại di sản nhằm định đoạt toàn bộ hoặc một phần tài sản thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của mình cho một hoặc nhiều người sau khi người đó chết. Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định khá rõ ràng về thừa kế theo di chúc nói chung và các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng, nhưng việc hiểu và áp dụng những quy định đó trên thực tế còn nhiều bất cập. Với những cách hiểu chưa rõ hoặc khác nhau có thể dẫn tới việc di chúc được lập ra nhưng không có hiệu lực pháp luật, khiến cho ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc không được thực hiện. Bên cạnh đó, việc xác định tính hợp pháp của di chúc còn dẫn đến nhiều vụ án tranh chấp về thừa kế.

I. Khái quát chung về di chúc

1. Khái niệm về di chúc

Dưới góc độ từ điển tiếng Việt, di chúc được hiểu là ý nguyện của cá nhân muốn người khác thực hiện sau khi chết.

Dưới góc độ khoa học pháp lý, theo Điều 624 BLDS 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Như vậy, có thể hiểu, di chúc là một giao dịch dân sự dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương, thể hiện ý chí của cá nhân chứ không phải pháp nhân, tổ chức. Thông qua hình thức này cá nhân có thể định đoạt, chuyển tài sản thuộc sỡ hữu của mình cho cá nhân, tổ chức sau khi qua đời.

2. Đặc điểm của di chúc

Quyền lập di chúc của cá nhân là một trong những quyền quan trọng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, di chúc là phương tiện phản ánh trung thực ý nguyện cuối cùng của cá nhân trong việc dịch chuyển tài sản của họ cho người khác sau khi chết.

Di chúc có những đặc điểm riêng biệt so với các giao dịch dân sự khác ở những điểm sau:

Một là, di chúc là sự thể hiện ý chí đơn phương, tự nguyện của cá nhân mà không phải là của bất cứ chủ thể nào khác.

Hai là, mục đích của di chúc phải nhằm dịch chuyển tài sản của người lập di chúc cho người khác sau khi chết.

Ba là, di chúc là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết.

II. Quy định pháp luật về điều kiện để di chúc có hiệu lực theo pháp luật Việt Nam

Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, do đó di chúc phải tuân theo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. Vì vậy, một người muốn định đoạt tài sản của mình bằng di chúc cần phải tuân theo các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc.

Khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 quy định di chúc hợp pháp phải đủ các điều kiện sau: (i) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; (ii) Người lập di chúc không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; (iii) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; (iv) Hình thức di chúc không trái quy định của luật.

1. Điều kiện về chủ thể có quyền lập di chúc

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của cá nhân tạo thành năng lực chủ thể của cá nhân. Mỗi cá nhân có mức độ năng lực chủ thể khác nhau nên không phải cá nhân nào cũng có thể trở thành chủ thể lập di chúc. Để có thể trở thành chủ thể lập di chúc, cá nhân phải đảm bảo được những điều kiện quy định tại Điều 625 BLDS 2015: (i) Là người thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; (ii) Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Theo quy định trên, có thể thấy hai điều kiện và cũng là căn cứ để xác định chủ thể lập di chúc là yêu cầu về độ tuổi và yêu cầu về nhận thức của người lập di chúc.

a) Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc

Pháp luật dân sự quy định chỉ người thành niên mới có quyền lập di chúc, còn người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi muốn lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

– Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, là những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đạt đến độ tuổi có thể nhận thức đầy đủ để điều chỉnh hành vi của mình, được tham gia xác lập mọi giao dịch dân sự, trong đó có việc lập di chúc.

– Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Có quy định này bởi lẽ dù họ là người chưa thành niên nhưng họ có những nhận thức nhất định. Về mặt thực tế thì họ có thể có tài sản riêng do được thừa kế hoặc được tặng cho, thậm chí có người đã tích lũy từ lao động phù hợp với sức lao động của mình. Để đảm bảo phần nào quyền định đoạt tài sản của họ, pháp luật đã cho phép họ lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ đồng ý về việc lập di chúc.

b) Yêu cầu về nhận thức của người lập di chúc

Điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 đã quy định: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc” nên di chúc sẽ được coi là không hợp pháp trong các trường hợp: (i) Di chúc được lập ra trong hoặc sau khi người đó khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; (ii) Người lập di chúc nhưng bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định y khoa có thẩm quyền mà thời điểm bị coi là mất năng lực hành vi dân sự trước thời điểm di chúc được lập; (iii) Lập di chúc sau khi bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự mà di chúc đó không có sự đồng ý của người đại diện.

Để đảm bảo cho di chúc được lập ra hợp pháp, người lập di chúc có thể đi khám sức khoẻ để chứng minh bản thân đủ minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt trong khi lập di chúc. Bên cạnh đó, người lập di chúc còn có thể chứng minh trạng thái tinh thần của mình thông qua việc tự mình yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc.

2. Điều kiện về ý chí của người lập di chúc

Người lập di chúc phải là cá nhân có tài sản để lại và ý chí trong di chúc phải là ý chí tự nguyện của chính cá nhân đó. Chỉ khi nào di chúc phản ánh một cách trung thực, khách quan những mong muốn của người lập di chúc thì sự định đoạt đó mới được coi là tự nguyện. Di chúc sẽ bị coi là không có sự tự nguyện khi người lập di chúc bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS 2015, một trong các điều kiện để di chúc hợp pháp là người lập di chúc không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Ý chí của người lập di chúc phải hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự định đoạt trong trạng thái minh mẫn và sáng suốt.

3. Điều kiện về nội dung di chúc

Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Người lập di chúc chỉ định người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, phân định di sản thừa kế,… Ý chí của người lập di chúc phải phù hợp với các quy định của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội, tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS 2015

Pháp luật Việt Nam quy định nội dung của di chúc được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ hai điều kiện:

Thứ nhất, có nội dung không vi phạm điều cấm của luật. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Theo quy định này, khi người để lại di sản thực hiện quyền lập di chúc của mình chỉ cần đảm bảo không vi phạm những quy định của luật không cho phép người lập di chúc thực hiện. Hiện nay, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đều liệt kê hành vi bị cấm tương ứng với phạm vi điều chỉnh của văn bản.

Thứ hai, có nội dung không trái đạo đức xã hội. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Vì vậy, việc lập di chúc ngoài tuân thủ quy định của pháp luật, nội dung của di chúc còn không được trái đạo đức xã hội. Tức nội dung của di chúc thể hiện được quyền định đoạt thuộc về sự tự do của cá nhân nhưng phải đảm bảo những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Ngoài ra, BLDS 2015 còn quy định thêm trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa để đảm bảo nội dung di chúc vẫn chính xác, vẫn thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc.

4. Điều kiện về hình thức di chúc

Hình thức của di chúc là phương thức biểu đạt ý chí của người lập di chúc, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên, pháp luật Việt Nam mới quy định hình thức của di chúc không được trái quy định của luật. Căn cứ theo Điều 627 BLDS 2015, Việt Nam chỉ thừa nhận hai hình thức của di chúc là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp không thể lập được di chúc bằng văn bản thì người lập di chúc mới được sử dụng di chúc miệng.

a) Di chúc bằng văn bản

Tất cả di chúc được lập thành văn bản đều phải đáp ứng yêu cầu chung về nội dung, trình tự theo quy định của pháp luật, và có các đặc điểm được quy định tại khoản 2, 3 Điều 631 BLDS 2015:

Thứ nhất, tất cả di chúc đều phải đáp ứng các yêu cầu về chủ thể lập di chúc, ý chí của người lập di chúc, nội dung di chúc.

Thứ hai, tất cả di chúc đều phải được viết rõ ràng, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu đối với tất cả các chữ để tránh cách hiểu khác nhau, dẫn đến sự tranh cãi giữa những người thừa kế.

Thứ ba, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Việc đánh thứ tự số trang sẽ không gây nhầm lẫn giữa các trang. Cùng với đó, việc quy định người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào từng trang của di chúc để đề phòng người khác giả mạo hoặc thay thế từng trang của di chúc.

Thứ tư, trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Quy định này giúp tránh trường hợp di chúc bị người khác sửa đổi nội dung trái với ý chí của người lập di chúc.

Căn cứ theo Điều 628 BLDS 2015, có di chúc bằng văn bản có bốn loại, đó là:

(i) Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Căn cứ theo quy định tại Điều 632 BLDS 2015, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận một hình thức di chúc lập bằng văn bản không cần người làm chứng duy nhất đó là người lập di chúc tự viết tay và ký vào bản di chúc, bên cạnh đó, di chúc này phải đáp ứng đủ các đặc điểm chung của một bản di chúc bằng văn bản. Như vậy, trong trường hợp này để di chúc hợp pháp thì người lập di chúc không được đánh máy, hay nhờ người khác viết hộ hoặc không tự ký mà nhờ người khác ký hộ. Việc tự viết vừa thể hiện sự tự nguyện của người lập di chúc vừa mang tính đặc định cao, khó có thể làm giả, và cũng thuận lợi cho việc giám định, là chứng cứ chứng minh di chúc do người có tài sản lập ra mà không phải người khác.

(ii) Di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Theo quy định tại Điều 634 BLDS 2015, có ba trường hợp di chúc bằng văn bản phải có ít nhất hai người làm chứng, đó là: Người lập di chúc tự mình đánh máy; Người lập di chúc nhờ người khác viết tay; Người lập di chúc nhờ người khác đánh máy bản di chúc. Khi thuộc một trong ba trường hợp này, người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Đây là loại di chúc không cần công chứng, chứng thực nhưng bắt buộc phải có ít nhất hai người làm chứng. Đối với người làm chứng, họ phải thực hiện hai hành vi: Xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc; Ký vào bản di chúc.

(iii) Di chúc bằng văn bản có công chứng. Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng bản di chúc tại các Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.

Theo khoản 2 Điều 56 Luật Công chứng 2014, có 02 trường hợp di chúc có thể bị từ chối công chứng:

– Nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

– Có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

Nếu rơi vào một trong hai trường hợp trên thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó. Quy định này giúp cho việc xác nhận tính hợp pháp của di chúc được đảm bảo, chặt chẽ hơn.

(iv) Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Tương tự như di chúc bằng văn bản có công chứng, người lập di chúc có thể yêu cầu chứng thực bản di chức tại UBND cấp xã. Để đảm bảo cho di chúc được lập hợp pháp, theo khoản 2 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và khoản 2 Mục IV Phần II Thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1329/QĐ-BTP đã quy định di chúc chỉ được chứng thực khi tại thời điểm chứng thực người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Có thể thấy, cả công chứng di chúc hay chứng thực di chúc đều quy định người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng hoặc chứng thực di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng hoặc chứng thực di chúc. Căn cứ theo Điều 636 BLDS 2015, khi công chứng hoặc chứng thực di chúc không cần phải có người làm chứng trừ trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người làm chứng phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Di chúc bằng miệng

Di chúc miệng là sự thể hiện bằng lời nói ý chí của người để lại di sản nhằm dịch chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa ví dụ như đang bị bệnh nặng, bị thương nặng do tai nạn,… và không thể lập di chúc bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 629 BLDS 2015.

Để di chúc miệng được coi là hợp pháp thì ngoài đáp ứng đủ bốn điều kiện chung để một di chúc hợp pháp theo khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 thì còn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS 2015: (i)Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng; (ii) Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ; (iii) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Với hình thức gần như tương đương nhau, di chúc miệng khác với di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực ở chỗ người ký tên, điểm chỉ trong di chúc không phải là người lập di chúc mà là những người làm chứng cho việc lập di chúc.

Bên cạnh đó, khác với di chúc bằng văn bản, di chúc miệng đã hợp pháp vẫn có thể bị huỷ bỏ trong người hợp sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ quy định tại khoản 2 Điều 629 BLDS 2015.

III. Thực tiễn áp dụng pháp luật và một số kiến nghị hoàn thiện về điều kiện để di chúc có hiệu lực theo pháp luật Việt Nam

1. Thực tiễn áp dụng pháp luật

Pháp luật đã quy định rất rõ về những điều kiện để một bản di chúc trở nên hợp pháp và có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế có lại có rất nhiều trường hợp bản di chúc bị tòa tuyên không hợp pháp do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành một bản di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 dẫn đến ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc không được thực hiện. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân đó có thể đến từ phía người lập di chúc không hiểu rõ hoặc khó thực hiện các điều kiện để di chúc có hiệu lực theo quy định của pháp luật hoặc đến từ phía tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã khi thực hiện công chứng hoặc chứng thực di chúc không triệt để tuân theo các quy định của Bộ luật dân sự về trình tự thủ tục công chứng hoặc chứng thực di chúc. Một ví dụ điển hình như theo khoản 5 Điều 630 BLDS 2015 thì di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Và theo Điều 632 BLDS 2015 thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc không được trở thành người làm chứng. Có thể hiểu việc quy định như vậy của pháp luật là nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan, rõ ràng của việc lập di chúc miệng nhưng lại khá khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế. Vì trong gia đình, khi có tính mạng của một người bị cái chết đe doạ, thường sẽ chỉ có người trong gia đình, họ hàng thân thích có mặt bên cạnh người lập di chúc và thường họ sẽ không bình tĩnh hay không suy nghĩ được vấn đề phải ghi chép lại lời nói của người lập di chúc miệng.

Bên cạnh đó, việc xác định tính hợp pháp của di chúc còn dẫn đến nhiều vụ án tranh chấp về thừa kế. Các tranh chấp phổ biến đó là: (i) Tranh chấp giữa người thừa kế theo luật với người thừa kế theo di chúc. Tranh chấp này chính là tranh chấp về hiệu lực của di chúc, với một số nguyên nhân phổ biến như hình thức của di chúc không đúng với quy định của pháp luật, do thiếu tính tự nguyện của người lập di chúc, người làm chứng di chúc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật,…; (ii) Tranh chấp giữa người khác với người thừa kế theo di chúc. Đây là trường hợp người lập di chúc đã định đoạt cả phần tài sản của người khác, không thuộc sở hữu riêng cho người thừa kế; (iii) Tranh chấp giữa những người thừa kế theo di chúc với nhau. Trường hợp này có thể xảy ra khi nội dung di chúc không được chặt chẽ, có nhiều cách hiểu dẫn đến tình trạng không thể xác định được mỗi người thừa kế được hưởng bao nhiêu di sản,…

Ngoài ra, quy định tại khoản 3 Điều 630 BLDS 2015, về di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Quy định này trên thực tế có thể khiến cho người dân hiểu theo hai cách sau:

Thứ nhất, người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ chỉ có thể lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Thứ hai, người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ có thể lập di chúc bằng miệng. Bởi lẽ, người làm chứng phải lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Đây cũng là một điều kiện đối với di chúc miệng được quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS 2015.

Do vậy, để tránh việc suy luận ra hai cách hiểu như trên và để thống nhất trong việc áp dụng luật cần có quy định cụ thể rõ ràng hơn về hình thức di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện

Các quy định về thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng trong thời gian qua đã phần nào phát huy được hiệu quả điều chỉnh trên thực tế. Xong với nhu cầu phát triển ngày càng cao cũng như những quan hệ xã hội phát sinh ngày càng phức tạp thì đòi hỏi những chế định này cần được hoàn thiện hơn nữa để có thể phù hợp với nhu cầu xã hội của pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên thực tiễn. Chính vì vậy, tác giả có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, theo quy định của BLDS 2015 thì người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám tuổi chỉ có thể lập di chúc khi người này rơi vào một trong hai trạng thái: phải có cả cha, mẹ và cả cha, mẹ phải đồng ý cho lập di chúc hoặc có người giám hộ. Thực tế cho thấy, có trường hợp tại thời điểm người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi lập di chúc chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân hay cha hoặc mẹ biết việc lập di chúc của con và chỉ có một người đồng ý. Người còn lại có thể biết hoặc không biết về việc lập di chúc và chưa thể hiện sự đồng ý, khi có tranh chấp, họ hoàn toàn có thể thể hiện ý chí mình về việc chưa đồng ý. Vậy nên, các nhà làm luật nên có những quy định bổ sung để có thể bao quát được phạm vi chủ thể đồng ý cho lập di chúc trong đời sống xã hội.

Thứ hai, đối với thời hạn công chứng hoặc chứng thực di chúc miệng được quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS 2015, “trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”. Luật quy định chỉ có 05 ngày làm việc để công chứng hoặc chứng thực di chúc nhằm đảm bảo hạn chế tối đa việc ý chí của người lập di chúc bị thay đổi vì bất cứ lý do khách quan hay chủ quan nào của những người làm chứng và người liên quan khác. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp như thời điểm lập di chúc miệng là thời điểm đang có thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh,…. việc công chứng hoặc chứng thực di chúc không thể thực hiện đúng thời hạn luật định. Do đó, tác giả đề xuất nên quy định trường hợp ngoại lệ của thời hạn này. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng không nên tính vào thời hạn công chứng hoặc chứng thực di chúc miệng.

Thứ ba, khoản 5 Điều 630 BLDS 2015 chỉ quy định di chúc miệng phải được công chứng hoặc chứng thực mà không quy định cụ thể nghĩa vụ thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực là do chủ thể nào thực hiện, là người thừa kế được hưởng di sản hay những người làm chứng về việc để lại di chúc theo quy định của pháp luật. Điều này gây ra cách hiểu khác nhau, có ý kiến cho rằng người hưởng di sản có thể thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc mà đã được những người làm chứng ghi lại theo ý chí, tâm tư, nguyện vọng của người có tài sản để lại. Ý kiến khác lại cho rằng, việc tiến hành công chứng hoặc chứng thực này chỉ có thể do người làm chứng thực hiện (người thừa kế có thể đi cùng người làm chứng). Vì vậy, các nhà làm luật nên có quy định cụ thể trong trường hợp này, để đảm bảo sự khách quan, nên quy định cả người làm chứng và người hưởng di sản phải đi công chứng hoặc chứng thực di chúc miệng. Bởi người làm chứng là người xác nhận nội dung di chúc mang đi công chứng hoặc chứng thực là chính xác với nguyện vọng của người lập di chúc, chữ ký hoặc điểm chỉ trên di chúc đúng là của bản thân mình, không có sự đánh tráo di chúc. Người hưởng di sản trong trường hợp này là người có quyền lợi trực tiếp từ phần di sản được định đoạt trong di chúc, nếu người làm chứng không đi công chứng hoặc chứng thực di chúc thì di chúc sẽ vô hiệu, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên họ cần đi cùng để yêu cầu, xác nhận người làm chứng đã thực hiện nghĩa vụ của mình.

Thứ tư, về di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ có thể sửa đổi theo hướng quy định rõ, những chủ thể này có thể lập di chúc bằng miệng. Cách hiểu này đảm bảo quyền lựa chọn và sự tự do ý chí của người để lại di sản thừa kế theo di chúc là đối tượng thuộc nhóm người đặc biệt.

 Thứ năm, quy định về di chúc miệng là một quy định mang tính nhân văn, đảm bảo quyền lập di chúc của cá nhân, pháp luật hiện hành quy định di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Tuy nhiên, không phải lúc nào người đang có tính mạng bị đe doạ cũng tìm được hai người làm chứng đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm chứng khách quan, trung thực cho việc làm chứng, hoặc không đảm bảo được hai người làm chứng đó thể hiện lại chính xác ý nguyện cuối cùng của người di chúc miệng. Việc công nhận thêm hình thức ghi âm, ghi hình đối với di chúc cũng là một giải pháp cần được cân nhắc áp dụng trong pháp luật nước ta. Ghi âm hay ghi hình lại mang tính trung thực hơn so với trí nhớ của người làm chứng, tạo sự thuận tiện cho người lập di chúc, đặc biệt trong những tình huống cấp thiết; bên cạnh đó còn giúp cho các quy định của pháp luật “xích lại gần hơn” với thực trạng phát triển của đời sống xã hội.

LUẬT ĐẤT THỦ

Bài viết liên quan