Mỗi vụ kiện dân sự được giải quyết là một gia đình, một hộ gia đình được hóa giải những tranh chấp, đem đến sự bình yên cho mỗi làng quê. Khi nhận thức vai trò của pháp luật, nhà nước pháp quyền, người dân sẽ chủ động giải quyết mâu thuẫn thông qua con đường tố tụng tòa án và chấp hành nghiêm túc các phán quyết của Tòa án. Luật sư tham gia tố tụng dân sự đóng góp vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền thông qua việc thực hiện, áp dụng pháp luật cho mỗi tranh chấp dân sự trong đời sống.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định Luật sư tham gia tố tụng dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Một số văn bản pháp luật quy định như Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
Theo điều 9 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi Luật sư tham gia vào vụ án dân sự sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thu thập giao nộp tài liệu chứng cứ, tranh luận, đối đáp, áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự hoặc bác bỏ yêu cầu người khác.
Quyền và nghĩa vụ của Luật sư được quy định tại Điều 76 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, theo đó sau khi đương sự mời Luật sư từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự. Luật sư được thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ vụ án, được ghi chép sao chụp những tài liệu cần thiết trong hồ sơ vụ án để thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đương sự. Luật sư tham gia phiên hòa giải, phiên họp, phiên tòa giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, mỗi công dân khi thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm thì trước tiên nên hòa giải, nếu hòa giải không thành thì khởi kiện để giải quyết vụ việc tranh chấp theo đúng trình tự pháp luật quy định.
Tùy theo từng loại tranh chấp đất đai, lao động, thừa kế mà việc áp dụng pháp luật phù hợp để giải quyết. Luật sư tham gia giúp đương sự hòa giải, bảo vệ quyền lợi theo đúng trình tự quy định pháp luật. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xây dựng Nhà nước pháp quyền dân chủ, công bằng, văn minh.
Luật sư tham gia hòa giải các tranh chấp dân sự
Trong các giao dịch dân sự thì các giao dịch liên quan đến tranh chấp đất đai, xác định ai là người có quyền sử dụng đất, giao dịch liên quan đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, tranh chấp về ranh giới thửa đất luôn là các tranh chấp phức tạp, các bên trong giao dịch thường mâu thuẫn từ lâu và đến khi không giải quyết được mới đưa ra Tòa giải quyết.
Đối với tranh chấp đất đai thủ tục qua hòa giải tại UBND xã phường mang tính chất bắt buộc. Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục được định trong Luật Đất đai năm 2013 trong trường hợp các bên tranh chấp không tự hòa hòa giải hoặc không hòa giải được thông qua hòa giải ở cơ sở. Trong đó, hòa giải tranh chấp về quyền sử dụng đất là thủ tục bắt buộc và cũng là điều kiện thụ lý vụ án tại Tòa án. Yêu cầu khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất nếu không được tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã thì coi như là chưa đủ điều kiện khởi kiện. Và Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho đương sự là nguyên đơn.
Khi tham gia hòa giải, Luật sư tham gia với tư cách tư vấn pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền. Để việc tham gia được đúng quy định pháp luật Luật sư cần chuẩn bị giấy giới thiệu, thẻ Luật sư hoặc giấy ủy quyền công chứng hoặc chứng thực để việc tham gia được chấp nhận khi có đúng tư cách pháp lý khi tham gia các cuộc họp hòa giải đất đai tại UBND cấp xã phường nơi có tranh chấp đất đai.
Trình tự thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ. Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
Khi có Luật sư tham gia thì tranh chấp sẽ được giải quyết đúng quy định pháp luật, nếu các bên có thiện chí hòa giải thì tranh chấp sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, đa số các tranh chấp đất đai nhiều trường hợp giấy tờ viết tay qua nhiều thời kỳ, quá trình sử dụng đất lại sang nhượng tiếp cho nhiều người khác nhau nên việc tranh chấp khó có thể được giải quyết theo con đường hòa giải mà sẽ được giải quyết theo tố tụng Tòa án. Một số vụ việc tranh chấp hủy Quyết định giải quyết khiếu nại sẽ được giải quyết tại Tòa hành chính. Do tính phức tạp của tranh chấp đất đai nên một số vụ kiện hủy quyết định thời gian sẽ kéo dài.
Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại Tòa án
Tranh tụng trong vụ án dân sự dựa vào chứng cứ mà các bên thu thập hợp pháp để chứng minh bảo vệ quyền lợi. Luật sư tham gia vụ án dân sự sẽ hướng dẫn đương sự và sử dụng chứng cứ có lợi khi bảo vệ cho thân chủ.
Vai trò của Luật sư còn trong việc thực hiện thủ tục tố tụng dân sự được tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự. Luật sư sẽ đề xuất việc tham gia của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu cần thiết trong vụ án dân sự. Giai đoạn hòa giải trong tố tụng dân sự là một trong những thủ tục bắt buộc trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, để các đương sự có thể hòa giải được với nhau, vai trò của Luật sư sẽ tư vấn để đương sự có thể đưa ra được phương án hòa giải tốt nhất. Đối với vụ án tranh chấp đất đai để hòa giải được cần hiểu sâu rõ vụ án và nguyện vọng các bên để đưa ra được phương án mà hai bên có thể chấp nhận. Vai trò Luật sư tư vấn và giải thích quy định pháp luật để đương sự hiểu và thực hiện theo đúng quy định pháp luật là cần thiết.
Đối với vụ kiện dân sự căn cứ vào chứng cứ để Tòa án giải quyết vụ kiện, nên để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, đương sự cần chứng minh được căn cứ cho các yêu cầu của mình là hợp pháp. Luật sư sẽ hướng dẫn thu thập chứng cứ để đương sự thu thập chứng cứ được khách quan, bảo vệ quyền lợi của mình tốt nhất.
Ngoài việc cung cấp chứng cứ, việc đưa ra những đề xuất pháp lý cũng thể hiện kinh nghiệm của Luật sư khi giải quyết các tranh chấp. Sự phối hợp giữa Luật sư và Thẩm phán sẽ giúp cho vụ kiện được giải quyết theo đúng quy định, tránh kéo dài vụ kiện.
Đối với những vụ án tranh chấp ly hôn, thay đổi quyền nuôi con vai trò của Luật sư cũng giúp cho mâu thuẫn được giải quyết. Nhiều vụ kiện ly hôn khi mâu thuẫn vợ chồng cần có tư vấn pháp lý để giúp các bên cùng nhận ra vấn đề giúp giải quyết làm giảm tranh chấp các bên khi tranh chấp quyền nuôi con, tranh chấp tài sản…
Mỗi vụ kiện dân sự được giải quyết là một gia đình, một hộ gia đình được hóa giải những tranh chấp, đem đến sự bình yên cho mỗi làng quê. Khi nhận thức vai trò của pháp luật, nhà nước pháp quyền, người dân sẽ chủ động giải quyết mâu thuẫn thông qua con đường tố tụng Tòa án và chấp hành nghiêm túc các phán quyết của tòa án. Luật sư tham gia tố tụng dân sự đóng góp vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền thông qua việc thực hiện, áp dụng pháp luật cho mỗi tranh chấp dân sự trong đời sống!