Để thực hiện việc kinh doanh có hiệu quả thì việc có được quyền sở hữu trí tuệ là một cách mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, việc đầu tư xây dựng hồ sơ quản lý sở hữu trí tuệ là một biện pháp bảo vệ, nâng cao giá trị doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên việc có được bản quyền sở hữu trí tuệ là một việc không dễ dàng, sẽ thường xuyên có tranh chấp. Sau đây luật sư Tư vấn giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp sẽ giải quyết vấn đề này trong bài viết bên dưới:
Sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp
Nền kinh tế tri thức đang phát triển một cách mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, công việc sản xuất kinh doanh hằng ngày của các doanh nghiệp luôn được thực hiện bởi những sáng tạo thuộc sở hữu trí tuệ, mà từ đó những sáng tạo này sẽ được pháp luật bảo hộ và phát sinh mọi loại quyền theo pháp luật.
Tranh chấp sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp thường gặp
Hiện nay tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng phức tạp, trong đó tập trung nhiều vào tranh chấp quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp:
- Tranh chấp về quyền tác giả: chủ yếu là các tranh chấp phổ biến xuất phát từ quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm
- Tranh chấp về sở hữu công nghiệp: tập trung chủ yếu ở hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, và gần đây xuất hiện cả hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong tên doanh nghiệp, tên thương mại, tên miền (domain name) internet; cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên Internet.
Ai có quyền khởi kiện tranh chấp sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp?
Việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 4 Điều 26 BLTTDS 2015 được thực hiện theo quy đinh tại BLTTDS 2015, Người khởi kiện trong tranh chấp về sở hữu trí tuệ được quy định tại khoản 2 Điều 68 BLTTDS 2015.
Đối với những tranh chấp về quyền tác giả, những người sau đây có quyền khởi kiện:
- Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm;
- Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm;
- Chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả;
- Người được thừa kế của tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm;
- Người có quyền liên quan đến quyền tác giả, bao gồm: người biểu diễn; tổ chức sản xuất băng âm thanh, băng hình; tổ chức phát sóng;
Đối với tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, những người sau đây có quyền khởi kiện:
- Tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng.
- Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng, nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí mật kinh doanh.
- Người sử dụng hợp pháp tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.
- Người được thừa kế quyền sở hữu công nghiệp.
- Người có quyền sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua hợp đồng li-xăng.
- Người biểu diễn; tổ chức, cá nhân sản xuất băng ghi âm, ghi hình; tổ chức phát thanh, truyền hình.
- Tổ chức, cá nhân được các chủ thể trên uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
Trình tự giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp
Thẩm quyền giải quyết
Theo cấp: TAND cấp huyện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015
Theo lãnh thổ: TAND nơi bị đơn cư trú nếu 2 bên không có thỏa thuận gì theo điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 hoặc TAND nơi nguyên đơn cư trú nếu 2 bên có thỏa thuận điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015
Hồ sơ
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Tài liệu, chứng cứ đi kèm theo đơn khởi kiện.
Trình tự giải quyết
- Trình tự giải quyết theo pháp luật về TTDS quy định
- Trình tự giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp
Hạn chế bất cập trong giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp
Thời gian giải quyết có thể kéo dài, vì BLTTDS 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tranh chấp sở hữu trí tuệ là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, có thể gia hạn thêm 2 tháng đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
Những vụ án phức tạp trong quá trình điều tra có thể bị tạm đình chỉ (Điều 214 BLTTDS 2015) hay đình chỉ (Điều 217 BLTTDS 2015).
Các loại tranh chấp sở hữu trí tuệ?
Từ định nghĩa nêu trên có thể phân tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thành bốn loại, cụ thể:
- Tranh chấp quyền tác giả
- Tranh chấp quyền liên quan đến quyền tác giả
- Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp
- Tranh chấp quyền đối với giống cây trồng
Giải quyết tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
Sử dụng các biện pháp hành chính
Đối tượng áp dụng bao gồm:
– Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hộ
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
– Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Theo đó, hình thức xử phạt chính bao gồm Cảnh cáo và Phạt tiền.
Ngoài ra, có các hình thức xử phạt bổ sung.
Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính
Trong các trường hợp sau đây, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính:
– Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội
– Tang vật vi phạm có nguy cơ bị tẩu tán hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm
– Nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
– Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính được áp dụng theo thủ tục hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Tạm giữ người
– Tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm
– Khám người
– Khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ
– Các biện pháp ngăn chặn hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Các biện pháp dân sự
Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra; kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.
Các biện pháp dân sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối; hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa; nguyên liệu, vật liệu và; phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Khi khởi kiện ra Tòa án, nguyên đơn cần cung cấp các chứng cứ sau để chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.
- Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;
- Chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng.
- Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.
- Các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Các chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Biện pháp hình sự
Biện pháp hình sự được thực hiện khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ; hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội. Nếu hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm; cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật.